Trước khi lên ngôi Nguyên Minh Tông

Cuộc sống trong cung

Ông tên thật là Hòa Thế Lạt, thuộc hoàng tộc Bột Nhi Chỉ Cân. Ra đời năm (1300), là Trưởng tử của Nguyên Vũ Tông Hải Sơn và phi tần Diệc Khất Liệt thị. Vũ Tông lên ngôi, hầu hết việc triều chính đều giao cho em trai là Ái Dục Lê Bạt Lực Bát Đạt phụ giúp[2]. Nhờ Bát Đạt, đất nước trở nên hùng mạnh và thái bình[3], Vũ Tông sớm xác định phong Bát Đạt làm Hoàng thái đệ với điều kiện sau khi Bát Đạt mất phải truyền ngôi cho Hòa Thế Lạt[4].

Lưu lạc ở Trung Á

Năm 1311 Vũ Tông mất, Bát Đạt kế vị, tức Nguyên Nhân Tông. Tuy nhiên thừa tướng Thiếp Mộc Điệp và gian thần Đảo Thích Sa gièm pha với Nhân Tông, khiến Nhân Tông làm trái lời hứa, phong con ruột là Thạc Đức Bát Thích làm Hoàng thái tử[5]. Hòa Thế Lạt và hoàng đệ cùng cha khác mẹ là Đồ Thiếp Mục Ni bị đuổi khỏi cung bởi Hoàng thái hậu Đáp Kỷ (Dagi), tổ mẫu của họ. Lý do Thái hậu thông đồng Nhân Tông là vì mẹ Thạch Đức Bát Thích, A Nạp Thất Thất Lý Hoàng hậu xuất thân Hoằng Cát Lạt thị, vốn là thị tộc của Thái hậu. Mẹ Hòa Thế Lạt và Đồ Thiếp Mục Nhi đều không phải, nếu truyền ngôi cho một trong hai, thế lực ngoại thích sẽ rơi vào tay người ngoài, Thái hậu không thể tùy tiện can chính[6].

Năm 1316, Hòa Thế Lạt được phong làm Chu vương (诸王) rồi đày đên Vân Nam[7].

Thế nhưng Hòa Thế Lạt đã trốn sang Hãn quốc Sát Hợp Đài do Esen Bukha cai trị ở Trung Á. Esen Bukha nghe nói Hòa Thế Lạt đang sống gần Vương quốc của mình, bèn sang chào đón Thế Lạt. Sau đó, Hòa Thế Lạt được hậu thuẫn bởi các Thân vương Chaghadayid nên sống sót qua nhiều cuộc thanh trừng chính trị. Trong thời gian lưu vong ở Trung Á, ông thành thân với Mại Lai Địch, con gái Thiết Mộc Điệp Nhi, thuộc Hãn Lộc Lỗ thị[8].